Bình luận về câu ca dao: Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Hướng dẫn
Đề bài: Ca dao Việt Nam có câu:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Em hãy viết bài văn bình luận câu ca dao trên.
Bài làm:
Lời nói là phương tiện quan trọng để con người trao đổi tư tưởng, tình cảm và kinh nghiệm với nhau (bao gồm kinh nghiệm xử thế, lao động sản xuất, học tập…). Vì thế nó có giá trị đặc biệt trong đời sống. Để khuyên bảo con cháu cách nói năng sao cho đạt hiệu quả cao nhất, ông cha ta đã từng căn dặn:
Trong cuộc sống hằng ngày, con người thường xuyên phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp. Nếu biết lựa chọn những lời nói thích hợp thì sẽ hiểu nhau hơn, công việc sẽ thuận lợi hơn, kết quả sẽ cao hơn. Lời nói là một loại công cụ lợi hại trong đời sống xã hội. Ai cũng biết rằng, mỗi con người bình thường đều có khả năng nói lên mọi điều nhưng có lời hay, lời đẹp mà cũng có lời thô, lời vụng. Người khôn ngoan phải biết lựa lời:
Lời nói có thể chọn lựa được tùy theo ý định và trình độ văn hóa của người nói. Vì thế, cha ông ta hình dung lời nói như một thứ sản phẩm, một thứ công cụ dễ kiếm, dễ tìm, dễ chọn trong tầm tay của mọi người. Nếu chọn đúng, lời nói sẽ đem đến kết quả tốt đẹp, còn lựa sai, thì lời nói sẽ làm mất lòng nhau. Hiệu quả của lời nói đẹp là làm vừa lòng nhau. Lời nói đẹp tạo ra sự cảm thông, ăn ý và hiểu biết lẫn nhau. Đó là cơ sở để con người đạt được mục đích giao tiếp. Để cho vừa lòng nhau, người nói cần phải biết lựa chọn ngôn ngữ thích hợp với đối tượng và hoàn cảnh.
Ví dụ cùng nói về một hiện tượng là cái chết, có rất nhiều cách diễn đạt khác nhau như: sư già đã viên tịch, người chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc… Là người có văn hóa, khi đến chia buồn với tang chủ, khách phải biết lựa chọn cách nói thích hợp. Một lời nói hợp cảnh, hợp tình sẽ làm cho quan hệ thêm tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả.
Một lời nói hớ hênh, thô vụng sẽ làm hỏng hết mọi dự định ban đầu. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt việc lựa lời.
Nhưng để có khả năng lựa lời, chúng ta phải học tập, rèn luyện liên tục, lâu dài. Ông cha ta cũng đã từng để lại rất nhiều lời khuyên về việc nói năng của con người: Ăn phải nhai, nói phải nghĩ; hoặc: Học ăn, học nói, học gói, học mở…
Tuy coi trọng việc lựa lời để đạt được hiệu quả giao tiếp nhưng ông cha ta cũng không bao giờ cho rằng mục đích giao tiếp chỉ là làm vừa lòng nhau. Cần phải chọn lời nói thích hợp, lời nói đúng chứ không phải chỉ quan tâm đến sự đồng tình của người nghe, bởi vì, có nhiều khi sự thật mất lòng. Một lời nói êm tai nhẹ nhàng nhưng giả dối thì không thể coi là một hành vi giao tiếp đúng đắn. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Lời nói thích hợp trước hết phải là lời nói chân thành, sau đó mới là lời nói đẹp.
Lời nói là công cụ giao tiếp, lời nói thể hiện đạo đức, trình độ của mỗi con người. Biết lựa lời sẽ tạo được hiệu quả tốt trong giao tiếp. Vì vậy, chúng ta cần phải tự rèn luyện cách nói năng văn minh, lịch sự để đạt được mục đích như mong muốn.
Bài văn nghị luận mẫu số 2 tham khảo ca dao lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Ca dao tục ngữ từ xưa đến nay vẫn là một kho tàng quý báu về cách sống, cách làm người mà ông cha ta để lại cho con cháu. Xã hội chúng ta là một tập thể, mọi người đều phải kết nối với nhau, không ai có thể sống một mình. Vì vậy, trong cuộc sống, chúng ta không thể nào tránh khỏi việc giao tiếp với người khác. Vậy chúng ta cần làm như thế nào để có thể làm cho đối phương vừa lòng? Ông cha ta có một câu ca dao về vấn đề này, đó là:
Câu ca dao nói về thái độ, lời nói của mỗi chúng ta khi giao tiếp: cần phải nhẹ nhàng, nói những lời lẽ đúng mức, lịch sự, để không gây khó chịu cho đối phương.
Lời nói là của chúng ta. Nói lời hay cũng không sao, mà nói lời dở cũng chẳng vấn đề gì. Tất nhiên là không mất tiền mua, vì đó chính là một thứ xuất phát từ bản thân mình, được coi như một thứ tài sản của mình. Đó không phải là một thứ mình phải tốn công sức, tiền của quá nhiều thì mới có được. Đó là công cụ để chúng ta giao tiếp với mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Có những người thì lúc nào cũng nói năng một cách bỗ bã, thô thiển khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu. Ngược lại, cũng có những người có cách nói chuyện rất duyên dáng, hóm hỉnh, khiến mọi người rất muốn trò chuyện cùng. Ngoài ra, lời nói cũng phụ thuộc một phần vào trình độ văn hóa và môi trường giáo dục. Nếu như một người được giáo dục một cách cẩn thẩn sẽ khác với một người không đi học, không biết chữ. Như vậy, khi chúng ta giao tiếp với nhau, cần phải chú ý đến đối tượng giao tiếp, để có thể có cách diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ một cách hợp lí.
Ông cha ta có câu: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, để diễn đạt một vấn đề có rất nhiều cách để nói. Nếu như chúng ta diễn đạt một cách hợp lí thì sẽ đạt được hiệu quả rất tốt. Và ngược lại, nếu như chúng ta diễn đạt không khéo léo sẽ dẫn đến những hậu quả mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Ví dụ, một người giáo viên mà mắng học sinh rằng: “Em học dốt quá!”, sẽ khiến cho em học sinh ấy sợ sệt, và cảm thấy mặc cảm, tự ti. Có thể em ấy sẽ càng ngày càng học kém đi. Nhưng nếu một giáo viên biết cách diễn đạt, biết cách nói ra khuyết điểm của học sinh một cách tinh tế nhất, thì bạn học sinh ấy rất dễ có thể tiếp thu và có động lực để tiến bộ. Một người bác sĩ, khi gặp tình trạng nguy kịch của người bệnh, nhưng vẫn luôn động viên người đó lạc quan để chữa trị, chứ nhiều khi, họ không nói thẳng với người bệnh rằng cuộc sống của họ sắp kết thúc. Có rất nhiều điều kì diệu sẽ xảy ra nếu con người ta vẫn còn nghị lực sống, vẫn còn niềm tin vào cuộc sống. Một người khôn ngoan, khéo léo là một người biết cách lựa chọn cách diễn đạt tốt nhất trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, để có thể có khả năng nhận biết tình huống hay nói năng một cách nhẹ nhàng, dễ nghe thì chúng ta phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện rất chăm chỉ. Cần biết để ý, quan sát mọi người xung quanh, để học hỏi và rút kinh nghiệm. Những người biết chú ý quan sát mọi người, sẽ biết được những điều nên làm và những điều nên tránh. Ông cha ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Mọi việc trong cuộc sống của chúng ta, ngay từ những việc nhỏ nhặt nhất như việc ăn như thế nào cho lịch sự, nói thế nào cho đúng, cho hay cũng là cả một quá trình. Khi còn nhỏ, chúng ta được thầy cô, cha mẹ dạy phải biết lễ phép với người lớn, hòa nhã với bạn bè, nhường nhịn những người ít tuổi hơn. Và bài học ấy, vẫn luôn theo chúng ta trên mọi bước đường đời. Nếu chúng ta biết thực hiện đúng những điều mà chúng ta được dạy, được học, thì chúng ta sẽ trở thành một người được rất nhiều người xung quanh, vì cách nói chuyện dễ mến, nhẹ nhàng và lịch sự.
Nhưng, coi trọng việc sử dụng ngôn ngữ một cách lịch sử, đúng mực, đúng hoàn cảnh không đồng nghĩa với việc lúc nào cũng nói tốt, mặc kệ có đúng sự thật hay không. Nói hay không có nghĩa là nói sai. Có nhiều người chỉ vì muốn làm cho người nghe vui, hoặc muốn tư lợi cho bản thân mà chỉ toàn nói những lời nói nịnh hót, không đúng sự thật. Những người như thế, thật đáng lên án. Chúng ta cần biết dũng cảm chỉ ra cho bạn bè, người thân biết được những điểm chưa tốt của họ, để họ có thể sửa được và tiến bộ hơn trong tương lai. Không thể vì không muốn người khác buồn, mà không dám chỉ ra khuyết điểm của họ, chỉ toàn khen họ, để họ ảo tưởng rằng họ đã tốt rồi, không cần sửa gì nữa. Như vậy, chính là hại người ấy, chứ không phải là làm cho họ vui. Hay chỉ là vui trong chốc lát mà phải gánh hậu quả về sau. Tuy nhiên, cũng cần biết lựa chọn cách góp ý cho hợp lí.
Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều cuộc giao tiếp với nhiều mục đích khác nhau. Chúng ta cần biết cách ứng xử phù hợp với từng tình huống, để có thể đạt được một cuộc giao tiếp vui vẻ, thoải mái cho cả hai bên. Tuy nhiên, cũng cần phải biết thẳng thắn khi đúng lúc, chứ không chỉ lúc nào cũng chỉ vì muốn “vừa lòng nhau” mà nói những lời ngon ngọt, hãy trở thành một người nói chuyện thông minh.
Theo Baivanhay.com