— Thật ra tao cũng giống như mày vậy đó Bắp. Tao lớn lên với nhiều xu hướng bạo lực bị dồn nén. Cái thế giới này người ta đề cao sự phi bạo lực như một mệnh lệnh đạo đức tuyệt đối. Nhưng thường ý tưởng hay ho nào đến từ tầng lớp tinh hoa, những người hiểu được các sắc thái phức tạp của thực tế và vì vậy có các góc nhìn linh hoạt hơn, thì đến với tầng lớp đại chúng đều biến thành giáo điều cứng ngắc và tàn bạo. Thuyết tiến hóa trở thành thuyết ưu sinh. Xã hội dân chủ lý tưởng trở thành chính quyền chuyên chế tàn bạo. Giờ thì tầm nhìn về một thế giới phi bạo lực lại là bạo lực áp đặt lên những xu hướng nhất mực tự nhiên của con người. Hãy cho hai đứa trẻ tự chơi với nhau, không quá dăm phút là chúng sẽ bắt đầu động tay động chân, cào cấu cắn xé nhau. Nhưng như vậy thì người lớn làm gì? Người lớn ngăn chặn tiến trình chơi đùa và học hỏi xã hội tự nhiên của các đứa trẻ, không cho chúng tự do chơi đùa nữa, gò ép chúng vào các hoạt động có hướng dẫn và theo dõi sát sao. Cả tuổi thơ của tao đã ngán đến phát mửa các hoạt động sinh hoạt đội nhóm rồi. Cái gì mà giơ tay trái, giơ chân phải, rồi còn lại đọc vè đối thơ đố mẹo cơ chứ? Thật sự trên đời này có người nghĩ rằng các hoạt động này tốt cho sự phát triển của trẻ em hơn việc để cho chúng thoải mái chơi đùa, vật lộn, rồi đi đến thỏa thuận với nhau ư? Nhưng nói vậy thôi. Buồn thay, tao là một đứa trẻ hiểu chuyện. Tao nghe lời người lớn và đè nén những xu hướng rất tự nhiên trong mình. Tao trở thành con ngoan trò giỏi, và tự tủi hổ với các suy nghĩ, cảm xúc lệch chuẩn của mình. Ôi, tội nghiệp cho tao, Bắp à! Dù sao thì, nhờ như vậy mà tao tồn tại qua tuổi thơ một cách êm ổn. Tao được chứng kiến những đứa trẻ không thích nghi chứ! Chúng nó không biết cách gò nén các xung năng bên trong của mình, trưng ra ngoài các kỹ năng xã hội được chấp nhận hơn. Rồi chúng nó bị gì? Được thông cảm và dạy dỗ ư? Không! Chúng bị cô lập, bởi bạn bè, bởi thầy cô, bởi nhà trường và cả xã hội. Một đứa trẻ không biết cách ứng xử xã hội, lại bị cách li khỏi xã hội, thì hậu quả sẽ là gì? Người ta nói “từ nhà trường đến nhà tù” chẳng có sai. Tao tận mắt chứng kiến và cũng được nghe kể các câu chuyện về những đứa trẻ tiềm năng cao đi vào con đường như vậy rồi, Bắp à. Tao hoàn toàn không làm lố đâu. Có một vị giáo sư đại học hàng đầu thế giới nọ, tuổi trẻ cũng dính dáng vào nghiện hút, cũng trộm cắp, cũng đánh lộn, vào trại cải tạo đôi ba lần. Phải rằng đây là một đứa trẻ bất trị, vô phương cứu chữa, xứng đáng dành cả cuộc đời trong tù tội? Hay chỉ đơn giản rằng đây là một đứa trẻ có một gia đình không hạnh phúc, không biết giải quyết những cảm xúc tiêu cực dồn nén bên trong mình như thế nào, để rồi kết cục đành thể hiện ra bên ngoài bằng những hành vi phản xã hội? Tao tin rằng xu hướng bạo lực ở trẻ em cần được dạy để chúng chấp nhận và kiểm soát nó, chứ không phải trừng phạt, miệt thị và cô lập. Bởi vì bạo lực bị dồn nén sẽ trở thành những dạng thức bạo lực nguy hiểm hơn rất nhiều.